VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI MIỀN NAM
- Trụ sở chính: Số 140 Đường Nguyễn Tri Phương, Xã Tân Bình, Thị xã La Gi, Bình Thuận
- Hoạt động trên phạm vi toàn quốc
- 0387888112
- tplmiennam@gmail.com
Vay tiền là một trong những giao dịch vô cùng phổ biến hiện nay. Thông thường, khi các bên thực hiện loại giao dịch này sẽ có thỏa thuận cụ thể về số tiền vay, kỳ hạn vay, lãi (nếu có)… Tuy nhiên, trong một số trường hợp bên vay là người quen, người thân hay bạn bè vì tin tưởng nhau nên cho vay mà không lập thành hợp đồng vay hoặc có lập nhưng không ghi thời hạn trả. Vậy nếu bên vay không trả tiền vay mà bên cho vay muốn khởi kiện tại Tòa án để đòi lại tiền thì phải làm thế nào?
Trường hợp các bên cho vay không ghi thời hạn thanh toán, đồng thời không thỏa thuận được với nhau về việc thanh toán khoản vay thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án. Tòa án có trách nhiệm thụ lý yêu cầu khởi kiện của bên cho vay nhưng Bên cho vay phải thực hiện bước “thông báo” như quy định tại Điều 469, Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể:
“Điều 469. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
Từ quy định trên, để đòi lại tiền thì bên cho vay phải thực hiện thông báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý. Đồng thời, thông báo đòi nợ này nên được Thừa phát lại chứng kiến và lập vi bằng. Việc lập vi bằng trong trường hợp này gọi là “Vi bằng giao thông báo”. Vi bằng sau khi được lập và đăng ký theo quy định pháp luật thì kể cả việc bên vay không chịu nhận thông báo đòi nợ cũng không ảnh hưởng đến hiệu lực của vi bằng cũng như quyền yêu cầu trả nợ của bên cho vay.
Như vậy, bên cho vay dựa trên chứng cứ về việc vay mượn và thông báo yêu cầu trả nợ (trong thời gian hợp lý) đã được lập vi bằng là đủ điều kiện để Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện.
Thủ tục lập vi bằng:
Bước 1. Liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn và báo phí
Khách hàng có nhu cầu lập vi bằng liên hệ với Văn phòng Thừa phát lại Miền Nam và mô tả tình huống của mình để nhận được tư vấn. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ cung cấp các thông tin, giấy tờ cần thiết cho việc lập vi bằng. Văn phòng Thừa phát lại Miền Nam sẽ dựa vào hồ sơ, khối lượng công việc và báo mức phí phù hợp cho quý khách hàng.
Bước 2. Ký thỏa thuận và tiến hành lập vi bằng
Sau khi quý khách hàng và văn phòng thống nhất chi phí cho việc thực hiện lập vi bằng, hai bên sẽ thực hiện ký thỏa thuận lập vi bằng và tiến hành lập vi bằng. Thừa phát lại sẽ trực tiếp đến địa điểm thực hiện việc giao thông báo, nơi cần ghi nhận hình ảnh để tiến hành mô tả sự kiện theo yêu cầu, lịch hẹn. Thừa phát lại sẽ quay phim, chụp hình trong suốt quá trình thực hiện. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Thừa phát lại Miền Nam sẽ gửi 01 bản đến Sở Tư pháp để đăng ký vi bằng.
Bước 3. Nhận kết quả và thanh lý hồ sơ
Sau khi hoàn tất thủ tục lập vi bằng và đăng ký vi bằng, văn phòng sẽ trao lại cho khách hàng bản chính vi bằng (số lượng theo thỏa thuận). Trong trường hợp Quý khách hàng đang trong tình huống gấp rút, cần ngay vi bằng để sử dụng thì Văn phòng cũng hỗ trợ giải quyết nhanh cho khách hàng.
Trên đây là tư vấn của Thừa phát lại Miền Nam về vi bằng ghi nhận sự kiện giao thông báo để đòi nợ. Nếu Quý khách hàng có bất kì thắc mắc hay các nhu cầu liên quan vui lòng liên hệ để nhận được sự tư vấn đầy đủ và chính xác nhất. Trân trọng cảm ơn!
Vân Anh
Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!