VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI MIỀN NAM
- Trụ sở chính: Số 140 Đường Nguyễn Tri Phương, Xã Tân Bình, Thị xã La Gi, Bình Thuận
- Hoạt động trên phạm vi toàn quốc
- 0387888112
- tplmiennam@gmail.com
Thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án dân sự là hai trong bốn chứng năng của Thừa phát lại theo quy định tại Điều 3 Nghị định 08/2020/NĐ-CP. Một trong những mục tiêu hình thành và phát triển chế định Thừa phát lại là xã hội hóa hoạt động Tư pháp, hỗ trợ, san sẻ công việc của các cơ quan Tư pháp cũng như để tạo thêm cho người dân quyền lựa chọn khi yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng hiện nay những quy định về thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại khi áp dụng trong thực tế còn tồn tại nhiều vướng mắc.
Do đó, các Văn phòng Thừa phát lại hiện nay chủ yếu lập vi bằng và tống đạt văn bản; còn việc xác minh thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án còn rất ít, thậm chí có Văn phòng chưa thực hiện được vụ việc nào.
1. Xác minh điều kiện thi hành án:
Việc xác minh điều điều kiện thi hành án của Thừa phát lại giúp ích rất nhiều cho các cá nhân, tổ chức được thi hành án, hỗ trợ Cơ quan thi hành án thực hiện thi hành án một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Tuy vậy, hoạt động xác minh của Thừa phát lại hiện nay còn nhiều khó khăn xuất phát từ quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng.
Về quy định của pháp luật, giai đoạn trước năm 2014 thì Thừa phát lại tiếp nhận yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án khá nhiều. Lý do của việc này là Luật thi hành án dân sự năm 2008 (Điều 44) quy định việc xác minh trước hết thuộc về trách nhiệm của người được thi hành án; nếu họ đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thì hành án của người phải thi hành án thì mới được yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh.
Tuy nhiên, Luật thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014 quy định Chấp hành viên có nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án. Từ đây, đương sự hầu như không còn nhu cầu yêu cầu Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án.
Về mặt thực tế, có trường hợp Thừa phát lại chưa nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin điều kiện thi hành án. Vẫn còn tình trạng các cơ quan, tổ chức chưa hiểu hết về chức năng xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại. Khó khăn này dẫn đến việc xác minh bị chậm, người phải thi hành án có thể được “mật báo” thông tin và có thời gian tẩu tán tài sản.
2. Tổ chức thi hành Bản án, Quyết định theo yêu cầu của đương sự:
Giao Thừa phát lại thi hành án dân sự là chủ trương lớn, mang ý nghĩa chủ đạo của Đảng, Nhà nước ta khi quyết định áp dụng chế định Thừa phát lại tại nước ta. Hiện nay, khối lượng hồ sơ mà cơ quan thi hành án nhà nước đang thụ lý là rất lớn và tồn đọng nhiều từ năm này qua năm khác. Người dân thì ngán ngẩm vì sau khi tham gia quá trình tố tụng tại Tòa án thì lại phải tiếp tục chờ đợi và thực hiện nhiều quy trình thủ tục tại cơ quan Thi hành án mà chưa biết khi nào mới thu hồi được tài sản.
Việc Thừa phát lại thi hành án sẽ góp phần giảm tải khối lượng công việc của Cơ quan thi hàn án cũng như giúp cho người dân có nhiều lựa chọn cho việc thi hành bản án, quyết định của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này hiện tại gặp rất nhiều khó khăn và hầu như Thừa phát lại không thụ lý hồ sơ thi hành án mới kể từ khi Nghị định 08/2020/NĐ-CP ra đời.
Lý do là Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định khá nhiều nội dung về hoạt động thi hành án của Thừa phát lại nhưng rất tiếc những nội dung mang tính “bước lùi” so với các quy định trước đây của Nghị định 61/2009/NĐ-CP, Nghị định 135/2013/NĐ-CP (dù trước đây với 2 Nghị định này hoạt động thi hành án của Thừa phát lại cũng đã tồn tại những khó khăn). Đơn cử, khoản 2 Điều 52 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về những nhiệm vụ, quyền hạn mà Chấp hành viên được thực hiện nhưng Thừa phát lại thì không:
“a) Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 66, Điều 71, Điều 72 của Luật Thi hành án dân sự;
b) Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;
c) Xử phạt vi phạm hành chính;
d) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự;
đ) Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự;
e) Các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69 và khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự.”
Các Chấp hành viên, những cán bộ, công chức thi hành án của Nhà nước đã có kinh nghiệm thi hành án trong một thời gian dài, được sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan khác và được trao đầy đủ các quyền mà Thừa phát lại không được trao như liệt kê ở trên mà còn thi hành án trầy trật thì Thừa phát lại còn non trẻ, mang “mác tư nhân”, bị hạn chế quyền (công cụ) cơ bản để thi hành án thì khó có thể thi hành án hiệu quả.
Ngoài ra, khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại không được trực tiếp ra Quyết định thi hành án mà phải có văn bản đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định thi hành án theo thẩm quyền. Điều này làm mất tích cực, chủ động của Thừa phát lại đồng thời phát sinh bất cập là một cơ quan thụ lý thi hành án, thu tiền của khách hàng; một cơ quan ban hành quyết định thi hành án, không nhận được lợi ích gì thì khi xảy ra sai phạm ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Từ thực tiễn nêu trên, muốn để chế định Thừa phát lại phát triển, san sẻ công việc mảng thi hành án dân sự cho các cơ quan thi hành án nhà nước thì Nghị định sửa đổi Nghị định 08 (và xa hơn là Luật Thừa phát lại) nên trao quyền cho Thừa phát lại khi thi hàn án tương tự như Chấp hành viên (thực tế thì việc này đã được Nghị định 61/2009/NĐ-CP và Nghị định 135/2013/NĐ-CP trước đây quy định). Ngoài ra, chỉ khi Luật Thừa phát lại ra đời thì mới tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc, tránh việc một số cơ quan “phân biệt cao thấp” hiệu lực pháp lý của Nghị định về Thừa phát lại và các Luật khác để từ chối yêu cầu hợp pháp của Thừa phát lại trong xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án.
Hiếu
Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!