VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI MIỀN NAM
- Trụ sở chính: Số 140 Đường Nguyễn Tri Phương, Xã Tân Bình, Thị xã La Gi, Bình Thuận
- Hoạt động trên phạm vi toàn quốc
- 0334943399
- info@thuaphatlaimiennam.vn
Lập di chúc là “sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015). Nói nôm na là một người có tài sản, họ muốn tài sản đó thuộc về ai sau khi họ chết thì họ sẽ “di chúc” lại để sau khi chết mà có cái thực hiện.
Di chúc có 2 hình thức là di chúc miệng và di chúc bằng văn bản. Di chúc bằng văn bản thì có 4 loại là: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, Di chúc bằng văn bản có người làm chứng, Di chúc bằng văn bản có công chứng, Di chúc bằng văn bản có chứng thực (Điều 627, Điều 628 Bộ luật dân sự năm 2015).
Dù là di chúc miệng hay di chúc bằng văn bản (dù văn bản dưới hình thức nào) thì nếu nó đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 (tôi sẽ phân tích dưới đây) thì đều có giá trị pháp lý.
Trên thực tế, nếu như tài sản có thật, có giấy tờ chứng minh (đối với tài sản bắt buộc phải có giấy chứng minh quyền sở hữu), sức khỏe-nhận thức của người lập di chúc cơ bản bình thường thì người dân thường lập di chúc có công chứng viên công chứng để đảm bảo giá trị chứng cứ vững chắc (đương nhiên không cần chứng minh – khoản 3 Điều 5 Luật công chứng năm 2014).
Tuy nhiên, đối với các tài sản mà chưa rõ ràng, chưa có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu (ví dụ khoản tiền có thể được nhận ở một hợp đồng dịch vụ, nhà đất đang làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận, khoản phạt cọc của 1 hợp đồng mà bên đối lập vi phạm hợp đồng cọc nhưng họ chưa thừa nhận....) thì do đặc thù pháp luật công chứng và thực tiễn hành nghề, các công chứng viên sẽ từ chối công chứng di chúc. Vậy, nếu bị công chứng viên từ chối công chứng, chứng thực di chúc thì làm sao để ghi nhận lại ý nguyện này của người để lại di sản? Người dân sẽ thực hiện theo các hình thức di chúc còn lại nhưng làm sao để đảm bảo di chúc không bị “bác bỏ” sau này? Bài viết này sẽ trao đổi về nội dung này và sự hỗ trợ của Thừa phát lại giúp chứng minh di chúc là hợp pháp.
Căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 thì một trong những điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp là “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép”.
Trên thực tế, nếu cho rằng di chúc không hợp pháp thì đây là điểm mà các bên cho rằng di chúc chưa đáp ứng được (ngay cả di chúc được công chứng cũng gặp phải dạng tranh chấp này). Điều này là rất khó để phân xử vì việc tranh chấp chỉ xảy ra sau khi người người lập di chúc đã chết.
Nếu có một đoạn video do một bên thứ ba khách quan ghi nhận lại quá trình lập di chúc, thể hiện người lập di chúc cơ bản còn minh mẫn, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì sẽ giúp ích rất nhiều cho Hội đồng xét xử đánh giá di chúc có đáp ứng được điều kiện của điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 như trên. Đặc biệt bên thứ ba này lại là một người am hiểu pháp luật, được Nhà nước bổ nhiệm để làm chứng một cách chuyên nghiệp thì giá trị của lời chứng, của video quay lại sẽ đáng tin cậy hơn. Đó chính là công việc lập vi bằng của các Thừa phát lại.
Các video được Thừa phát lại ghi nhận trong quá trình lập vi bằng giúp chứng minh tình trạng nhận thức, ý chí và tính chủ động mà không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép của người lập di chúc.
Vi bằng cũng sẽ thể hiện một cách trung thực, khách quan việc có bao nhiêu người làm chứng, thông tin của những người này giúp chứng minh di chúc rõ ràng đáp ứng Điều 634 Bộ luật dân sự năm 2015.
Ngoài ra, nhu cầu gửi lưu giữ di chúc là một nhu cầu có thực, đặc biệt đối với di chúc mà khối lượng tài sản để lại thừa kế lớn, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp. Di chúc không được lưu trữ cẩn thận có thể bị thất lạc, hư hại và không đảm bảo tính bảo mật cho di chúc. Khoản 3 Điều 641, Khoản 1 Điều 642 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc.
Hiện nay, tổ chức hành nghề công chứng có thể nhận lưu giữ di chúc (Điều 60 Luật công chứng năm 2014) hoặc các tổ chức hành nghề Luật sư cũng nhận lưu giữ di chúc và đều phát sinh phí lưu giữ. Nếu khách hàng đã đề nghị Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc lập di chúc thì bản di chúc này đã được đính kèm vào vi bằng. Nhờ vậy, di chúc đương nhiên được lưu trữ ở tối thiểu 03 nơi là khách hàng, Văn phòng Thừa phát lại và Sở Tư pháp. Điều đặc biệt, khách hàng không mất phí lưu trữ vi bằng.
Thêm nữa, theo cảm nhận cá nhân, các tổ chức hành nghề công chứng thường không thực sự linh hoạt theo kiểu “gọi cái có liền” để hỗ trợ khách hàng công chứng. Điều này xuất phát từ quy định việc công chứng phải thực hiện tại trụ sở của tổ chức công chứng ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt (Điều 44 Luật Công chứng năm 2014) và cũng xuất phát từ tính an toàn của hoạt động công chứng (công chứng viên thường sẽ nhận đủ hồ sơ, nghiên cứu trước, soạn thảo sẵn văn bản rồi mới đến lên đường đi công chứng). Nhưng nếu một khách hàng đang trong tình trạng sức khỏe đang yếu, cần lập di chúc ngay, thậm chí là lúc nửa đêm thì Công chứng viên thường sẽ ít khi tiếp nhận (Giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế cấp huyện là một trong những giấy tờ mà công chứng viên yêu cầu khách hàng bắt buộc có trước khi lập di chúc).
Hoạt động Thừa phát lại thì khác; do đặc thù là người làm chứng nên Thừa phát lại sẵn sàng đến tận nhà của khách hàng, bất kể thời gian nào để làm chứng (lập vi bằng). Và dù nếu giấy tờ khách hàng chưa chuẩn bị kịp thì các Thừa phát lại có linh động đến tận nơi đánh máy và in ấn (máy in di động); bởi lẽ nếu cứ căn theo giờ hành chính thì sự kiện, hành vi cần xác lập chứng cứ sẽ trôi qua mà không còn cơ hội để lặp lại (như trường hợp lập di chúc khi khách hàng có sức khỏe yếu). Việc đánh giá hiệu lực di chúc sẽ do Hội đồng xét xử nhận định nhưng ít ra, trong trường hợp này, khi cần lập di chúc, khách hàng đã được đáp ứng; việc lập di chúc đã có một bên thứ ba làm chứng, quay phim lại một cách chuyên nghiệp, cẩn thận.
Bài viết này không khuyến khích việc khách hàng chuyển từ việc công chứng di chúc sang lập vi bằng di chúc bởi vì nếu di chúc đủ điều kiện để công chứng thì khách hàng nên vẫn phải yêu cầu công chứng viên công chứng (di chúc được công chứng đương nhiên không phải chứng minh, có hiệu lực thi hành – Khoản 2, 3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 như đã phân tích ở trên). Các trường hợp còn lại mà Công chứng viên từ chối công chứng do chưa đủ hồ sơ, điều kiện để công chứng nhưng khách hàng có nhu cầu thực là để lại một “di nguyện” hoặc thậm chí là di chúc đã có công chứng viên công chứng rồi nhưng vẫn e ngại có bên thứ ba vịn vào điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 mà bác bỏ thì nên đề nghị Thừa phát lại đồng hành lập vi bằng như một phương thức hỗ trợ, một giải pháp làm tăng tính an toàn hơn trong việc lập di chúc.
Thừa phát lại Nhật Trường - Thừa phát lại Đức Hoài
Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!