Thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự

    Với mục tiêu cải cách các hoạt động tư pháp đặc biệt là hoạt động thi hành án dân sự thì sự ra đời của Thừa phát lại đánh một dấu mốc rất quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu trên. Có thể nói rằng, chức năng tổ chức thi hành án là chức năng quan trọng nhất của Thừa phát lại. Thừa phát lại tham gia vào hoạt động tổ chức thi hành án tạo ra một lựa chọn mới cho người dân trong việc yêu cầu tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Với đặc trưng của một đơn vị thực hiện dịch vụ công nhưng mang hơi hướng dịch vụ sẽ giúp cho quá trình tiến hành công việc được nhanh hơn. Thừa phát lại thụ lý các hồ sơ thi hành án cũng đồng thời giảm tải các áp lực cho các cơ quan thi hành án dân sự của nhà nước.

    Thứ nhất, về thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại

    Điều 51 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại như sau:

“1. Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện); bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;

b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

2. Thừa phát lại không tổ chức thi hành phần bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự.”

    Thứ hai, về quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định

    Điều 53 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về quyền yêu cầu thi hành án của Thừa phát lại như sau:

“1. Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm, người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một Văn phòng Thừa phát lại hoặc một cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.

2. Trường hợp người được thi hành án được thi hành nhiều khoản khác nhau trong cùng một bản án, quyết định do một người có nghĩa vụ thi hành thì cùng một thời điểm, người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành. Nếu các khoản được thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì người được thi hành án có quyền đồng thời yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại thi hành riêng đối với từng khoản.

Trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án mà trong đó có người yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, có người yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với nhau trong thi hành án.

3. Thời hiệu, thủ tục yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.”

    Thứ ba, thỏa thuận thi hành án.

    Thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án giữa người yêu cầu thi hành án và Văn phòng Thừa phát lại được thể hiện dưới hình thức hợp đồng dịch vụ và có các nội dung chủ yếu sau đây:

    a) Ngày, tháng, năm yêu cầu thi hành án;

    b) Các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định;

    c) Trách nhiệm của Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện yêu cầu thi hành án theo ủy quyền;

    d) Chi phí, phương thức thanh toán;

    đ) Các thỏa thuận khác (nếu có).

    Hợp đồng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

    Như vậy, khi có bản án/quyết định của Tòa án thì đương sự có 02 lựa chọn: ngoài Cơ quan thi hành án dân sự thì đương sự có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền phù hợp tổ chức thi hành bản án/quyết định của mình.

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!