Xác minh điều kiện thi hành án

    Theo Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì xác minh điều kiện thi hành án là một trong 4 công việc chính mà Thừa phát lại được làm. Theo đó, điều 3 của Nghị định này nêu rõ: “Công việc Thừa phát lại được làm:

...

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.

    Về thẩm quyền, Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Ngoài ra, khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại có thể được sử dụng để yêu cầu thi hành án hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự trong các vụ việc thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án căn cứ kết quả xác minh để tổ chức thi hành án.

    Với quyền hạn và những giá trị thực tiễn trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại thì chắc chắn sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho người dân trong việc chủ động thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Đồng thời, việc phát huy chức năng này của Thừa phát lại còn làm giảm tải khối lượng công việc cho chấp hành viên trong các cơ quan thi hành án dân sự.

    Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án theo quy trình sơ bộ như sau:

    Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án của đương sự. Ở bước này, Thừa phát lại xác định các yêu cầu cụ thể của khách hàng khi tiếp xúc. Nhận định tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng và tiếp nhận yêu cầu.

    Bước 2: Yêu cầu khách hàng cung cấp các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cần thiết chứng minh cho quyền yêu cầu thi hành án hoặc quyền, nghĩa vụ liên quan trong bản án, quyết định. Từ đó xác định khách hàng có quyền yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án và tiến hành thủ tục tiếp theo. Một số tài liệu, giấy tờ cần cung cấp, ví dụ: Bản án, quyết định, giấy tờ tùy thân,...

    Bước 3: Thỏa thuận về việc xác minh điều kiện thi hành án. Đây là bước quan trọng, là căn cứ để Thừa phát lại có quyền thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án cho khách hàng. Ở bước này, Văn phòng Thừa phát lại ký kết hợp đồng dịch vụ về việc xác minh điều kiện thi hành án với khách hàng, trong đó nêu rõ:

    a) Nội dung cần xác minh, trong đó nêu cụ thể yêu cầu xác minh thông tin về tài sản, thu nhập hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;

    b) Thời gian thực hiện xác minh;

    c) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

    d) Chi phí xác minh;

    đ) Các thỏa thuận khác (nếu có).

    Bước 4: Tiến hành thủ tục xác minh điều kiện thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng dịch vụ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải ra quyết định xác minh điều kiện thi hành án, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Quyết định xác minh phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự. Việc xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện trực tiếp hoặc bằng văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin.

    Bước 5: Bàn giao kết quả thi hành án cho khách hàng và thanh lý hợp đồng dịch vụ.

Bạn cần tư vấn?

Luật pháp là vấn đề phức tạp. Nó có thể gây ra cho bạn một vấn đề lớn nếu bạn bỏ qua nó. Hãy để chúng tôi giúp bạn!